Thứ Năm, 10 tháng 5, 2018

CHUYÊN ĐỀ: Bệnh lý loãng xương và nguy cơ thất bại trong cấy ghép Implant (Phần 3)

Trong loạt bài chia sẽ về các bệnh lý ảnh hưởng đến tỷ lệ thất bại trong cấy ghép Implant. Chúng ta đã bàn luận 2 vấn đề ảnh hưởng rõ rệt nhất là bệnh nhân đang mắc bệnh tiểu đường và người hút thuốc lá. Bài chia sẽ hôm nay sẽ xoay quanh một bệnh lý còn đang gặp nhiều tranh luận chính là bệnh loãng xương và thuốc Bisphosphonate.
Hoại tử xương hàm - BRONJ
Vậy bệnh loãng xương và sự ảnh hưởng đến tỷ lệ thành công của cấy ghép Implant là như thế nào?

Theo tác giả, Tiến sĩ Hesham El-Askary (Đại học Chapman - tiểu bang CA - Hoa Kì) và cộng sự: chứng loãng xương có nguy cơ dẫn đến thất bại của Implant, đặc biệt là ở phụ nữ mãn kinh. Tuy nhiên đây là vấn đề còn đang được tranh cãi. Dù vậy, không thể phủ nhận bệnh loãng xương có ảnh hưởng tiêu cực đến sự tích hợp xương xung quanh Implant.

Đầu tiên, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về bệnh loãng xương và thuốc Bisphosphonate.
Biphosphonate là tên của một nhánh biệt dược gồm các dạng khác nhau như pamidronate, zoledronic acid, alendronate sodium, risedronate, etidronate, clodronate, ibandronate.

Trong đó alendronate sodium là thuốc uống để phòng ngừa và điều trị loãng xương và cả bệnh paget.

Các dạng còn lại thường được tiêm tĩnh mạch để điều trị ung thư lan vào xương. Với tác dụng giảm đau tại xương và tránh tăng canxi trong máu ở những trường hợp ác tính. Chữa trị này thường có liên quan trong ung thư di căn ở vú, ung thư tuyến tiền liệt và ung thư xương di căn.

Trong thực tế, thuốc này có ảnh hưởng đến quá trình lành thương của xương: giảm sự tái tạo xương, giảm nguồn máu cấp đến xương, nên sẽ giảm các vấn đề về xương có liên quan đến ung thư và cũng gây cho xương khó lành thương hơn.

Điều cần lưu ý, những thay đổi ở xương của người sử dụng thuốc này mang tính vĩnh viễn.
Bệnh loãng xương - Bisphosphonate và nguy cơ thất bại trong cấy ghép Implant
Trong nha khoa, ảnh hưởng của thuốc điều trị bệnh loãng xương và nguy cơ thất bại trong cấy ghép Implant là vấn đề mới. Và tất cả những lo ngại về Bisphosphonate chính là liên quan đến hoại tử xương hàm (BRONJ)
Điều này được mô tả đầu tiên vào năm 2003 bởi Marx, với 36 trường hợp xương bị tổn thương không đáp ứng với điều trị phẫu thuật hoặc thuốc.
  • Xương hàm dưới chiếm 80.5%
  • Xương hàm trên 14%
  • Cả hai là 5.5%
Chúng ta cũng cần lưu ý về tỷ lệ gây hoại tử xương ở 2 dạng thuốc. Thuốc chích tĩnh mạch gây tác động tới sự lành thương xương khác với thuốc dùng cho đường uống.

Cụ thể, trong một số trường hợp, bệnh nhân ung thư được điều trị với thuốc Biphosphonate dạng tiêm có thể dẫn đến hoại tử xương hàm, làm tiêu xương nhanh, phá hủy cấu trúc xương hàm, và vì thế hậu quả sẽ trầm trọng hơn.

Một số trường hợp khác ở bệnh nhân sử dụng thuốc Biphosphonate đường uống, để ngăn ngừa và điều trị loãng xương hay bệnh paget cũng có tỷ lệ hoại tử xương, nhưng tỷ lệ ở đối tượng này rất ít so với ở dạng tiêm.

Và theo nghiên cứu thống kê, tỷ lệ hoại tử xương của người sử dụng Bisphosphonate đường chích (7-8/100) cao hơn nhiều so với người sử dụng đường uống (1/1000).

Vậy với bệnh nhân đang sử dụng thuốc này, có chống chỉ định trong việc cấy ghép Implant hay không?
Muốn có câu trả lời, bác sĩ phẫu thuật cấy ghép Implant cần biết 3 yếu tố sau:
  • Thời gian sử dụng thuốc Bisphosphonate trong bao lâu? Bởi vì thuốc này xảy ra hiệu ứng cộng dồn tích tụ lâu ngày, thời gian sử dụng thuốc càng lâu thì nguy cơ thất bại trong cấy ghép Implant càng cao. Và đặc biệt với bệnh nhân sử dụng thuốc BPs đường chích thì nguy cơ cực kì cao, chúng ta không nên áp dụng phẫu thuật cấy ghép Implant.
  • Tình trạng y khoa của bệnh nhân: có bệnh lý nào nữa không? Chẳng hạn như bệnh tiểu đường (mở rộng: có kiểm soát tốt hay không kiểm soát…), có thói quen xấu như hút thuốc lá hay không và thời gian nghiện thuốc bao lâu…, hoặc các bệnh viêm nhiễm nha khoa khác…
  • Thủ thuật nha khoa gì? Và ở vị trí nào? Nếu thực hiện ở hàm dưới thì nguy cơ sẽ cao hơn hàm trên ở những người đang sử dụng thuốc BPs.

Kết luận: Chỉ định cấy ghép Implant có được thực hiện và hiệu quả thế nào đối với người đang sử dụng thuốc Bisphosphonate còn phụ thuộc tình hình cụ thể của mỗi bệnh nhân.

Kết quả cấy ghép Implant sẽ trong ngưỡng an toàn khi:
  • Bệnh nhân có thời gian sử dụng thuốc BPs cho đường uống < 4 năm và không có yếu tố nguy cơ nào khác. Tuy nhiên, đối tượng này vẫn cần theo dõi đánh giá răng thường xuyên.
  • Nếu bệnh nhân có thời gian sử dụng thuốc BPs đường uống trong vòng 4 năm mà còn sử dụng đồng thời thêm thuốc corticosteroids hay thuốc chống đông máu; Hoặc đối tượng bệnh nhân có thời gian sử dụng thuốc BPs hơn 4 năm và không có yếu tố nguy cơ nào khác, thì lời khuyên cần ngưng thuốc này ít nhất 2 tháng trước ngày phẫu thuật cấy ghép. Và duy trì thời gian ngừng thuốc này đến khi xương lành thương ổn định.
------

Nguồn: National Center for Biotechnology InformationU.S. National Library of Medicine 8600 Rockville Pike, Bethesda MD, 20894 USA
 -HDT-

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét